Hướng dẫn vệ sinh lọc HEPA? - cách vệ sinh lọc HEPA phòng sạch

Bộ lọc HEPA có giặt rửa được không? Lọc HEPA sử dụng nhiều lần được không? Việc này có làm giảm hiệu quả bộ lọc hay không?

Lọc HEPA được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống như trong HVAC, hệ thống điều hòa không khí, điều hòa trung tâm của các đơn vị sản xuất, phòng sạch, kho lạnh, phòng mổ, viện nghiên cứu, bệnh viện, các tòa nhà khách sạn, tòa nhà thương mại, hay trong các máy hút bụi, rô bốt hút bụi, máy điều hòa, trong xe ô tô,...  (Xem thêm chi tiết về lọc HEPA)

Bộ lọc HEPA được dùng với mục đích loại bỏ các hạt bụi bẩn, tạp chất, các chất gây dị ứng, bào tử, nấm mốc,... lẫn trong không khí. Hiệu quả của bộ lọc HEPA rõ ràng không thể bàn cãi, chúng có thể lọc được những hạt có kích cỡ nhỏ tới 0.3 micromet.

Những hạt bụi nhỏ xíu bám trên lọc HEPA

Nhưng có những vấn đề đáng quan tâm về bộ lọc HEPA với bất cứ cá nhân người dùng hay bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào - đó chính là giá thành. Giá của bộ lọc HEPA rất cao so với các loại lọc khác. Ngoài ra, việc đặt hàng cũng là 1 vấn đề đáng lưu ý. Sau khi đặt hàng sản phẩm này, các đơn vị sử dụng thường phải chờ đợi rất lâu. Đối với các công ty sử dụng số lượng lớn cho hệ thống lọc, điều hòa trung tâm có thể phải chờ đến vài tuần. Còn với người sử dụng số lượng ít hay các hệ thống nhỏ trong ô tô, máy hút bụi - họ phụ thuộc vào thời gian nhập hàng từ các nhà phân phối bán lẻ - những đơn vị phải gom đơn hàng - hoặc thậm chí không tìm được.

Vậy nên, đây là lý do tại sao mọi người tìm cách xem làm thế nào để làm sạch bộ lọc HEPA hay cách giặt rửa HEPA như thế nào, thay vì phải thay thế nó nhiều lần.

Câu trả lời không đơn giản, bài viết này sẽ giải đáp cho các bạn những băn khoăn về việc sử dụng lọc HEPA và hướng tốt nhất để bộ lọc hoạt động đảm bảo đúng yêu cầu của nó.

BỘ LỌC HEPA ĐƯỢC LÀM BẰNG GÌ?

Bộ lọc HEPA là một bộ lọc khí nhưng nó phải đạt hiệu quả cao ở tiêu chuẩn EN1822 (cấp độ H10 - H14). Để đáp ứng được tiêu chuẩn này và được gọi là HEPA, bộ lọc phải trải qua các bước kiểm tra với khả năng loại bỏ 99,97% các hạt có kích thước từ 0,3 micromet.

Thực tế bộ lọc HEPA được làm từ rất nhiều loại vật liệu, Quy trình ban đầu là thiết kế định hình các sợi để tạo nên kết cấu. Ví dụ như sợi thủy tinh thô, sợi thực vật, sợi tổng hợp (polyester hoặc nylon), bọt tổng hợp, len kim loại,... Các sợi được thiết kế theo kiểu quấn nhau 1 cách tự nhiên. Và tiếp theo là chúng sẽ được nén lại thành các tấm mỏng như tờ giấy. Sau đó xếp nếp để tăng diện tích bề mặt không khí đi qua, công đoạn cuối là gắn lên khung (khung làm bằng bìa cứng, nhựa, gỗ hoặc kim loại...) Quy trình gắn lên khung sử dụng công nghệ gắn keo Hotmelt để làm kín. 

Để sản xuất ra một tấm lọc khí đạt tiêu chuẩn với nhiều công đoạn phức tạp như vậy khiến cho lọc HEPA khó đặt hàng và mức giá khá cao. Đương nhiên, bởi vì trước khi xuất hiện khắp nơi, lọc HEPA vốn là 1 công nghệ lọc cao cấp từng được phát triển với mục đích lọc bụi phóng xạ.

TRÊN TẤM LỌC HEPA CÓ GÌ?

Bộ lọc HEPA được thiết kế để lọc các hạt bụi, nấm mốc và bào tử, thậm chí rất nhiều các loại chất ô nhiễm hay 1 lượng các hạt trong khói, bụi. Kết cấu của bộ lọc HEPA giữ lại tất cả chúng. Một nghiên cứu (Kim et al... 2014) đã chứng minh rằng các mẫu lấy trên bộ lọc HEPA cung cấp 1 điều kiện phát triển lý tưởng cho nấm mốc và các loại vi khuẩn. Thậm chí ngay trên bộ lọc HEPA, nấm mốc và vi khuẩn phát triển cực kỳ nhanh chóng và phát tán trở lại vào không khí.

Một tấm lọc HEPA không thay thế là môi trường lý tưởng của vi khuẩn, nấm mốc

 

BỘ LỌC HEPA CÓ THỂ DÙNG ĐƯỢC NHIỀU LẦN KHÔNG? 

Thật đáng buồn, câu trả lời là "KHÔNG", chắc hẳn bạn đã nghĩ đến việc sử dụng nước, bàn chải, vòi phun hay công cụ nào khác. Điều đó có thể loại bỏ phần nào bụi bẩn, nhưng chắc chắn sẽ làm hỏng kết cấu siêu nhỏ của các sợi tổng hợp - thành tố quyết định hiệu quả của bộ lọc HEPA. Ngay cả khi bạn cố làm nhẹ nhàng hơn, rất nhiều sợi siêu nhỏ bị đứt hoặc giãn ra - Cuối cùng, sau nhiều giờ đồng hồ loay hoay, bạn sẽ có 1 bộ lọc HEPA sạch sẽ như mới - nhưng bị hỏng - và nó chẳng còn khả năng lọc như 1 bộ lọc HEPA nữa.

Điều cho phép bộ lọc đáp ứng được yêu cầu của lọc HEPA là tính nhất quán trong kết cấu của sợi dệt. Nếu các sợi siêu nhỏ này bị rách, bị kéo căng hoặc thay đổi kết cấu ban đầu, nó sẽ tạo ra các khoảng trống khiến cho nấm mốc, vi khuẩn và bụi dễ dàng chui qua nhiều hơn. Tính toàn vẹn của phần khung cũng rất quan trọng, vì nếu xảy ra tổn thương nhỏ ở các điểm nối xung quanh - phần này rất dễ bị hỏng trong khi cố gắng giặt rửa, các dòng khí chưa được làm sạch sẽ đi vòng qua bộ lọc.

Hiện nay đã có các bộ lọc HEPA vĩnh viễn, có một số nhà cung cấp đã thiết kế ra 1 loại sợi tổng hợp bền và có thể phục hồi kết cấu ban đầu và sử dụng công nghệ nano - tất cả để đảm bảo cho 1 tấm lọc HEPA có thể làm sạch. Tuy nhiên, chưa có 1 tiêu chuẩn nào được xây dựng cho loại lọc khí này. Và đương nhiên, giá của sản phẩm đó sẽ cao hơn rất nhiều so với các bộ lọc HEPA đã có tiêu chuẩn mà chúng ta thường dùng. 

HẬU QUẢ

Việc cố gắng làm sạch 1 bộ lọc HEPA đã qua sử dụng có thể dẫn tới khả năng làm hỏng nó và khiến cho bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn phát tán vào môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Thậm chí, trong công nghệ sinh học, ngành sản xuất thực phẩm, dược phẩm, các phòng mổ, phòng sạch, viện nghiên cứu,... nếu điều này xảy ra sẽ khiến cho doanh nghiệp tổn thất nặng nề, hàng trăm hàng ngàn loại thuốc, các loại thực phẩm như đồ ăn, đồ uống bị nhiễm khuẩn, nấm mốc khiến cho doanh nghiệp thất thoát doanh thu.

Thậm chí việc cố gắng làm sạch dù chỉ một bộ lọc HEPA thôi cũng khiến cho người trực tiếp xử lý bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc từ bụi bẩn tích tụ lâu ngày - tiềm ẩn 1 nguy cơ về các bệnh lý hô hấp, dị ứng và nhiều mầm bênh khác. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay lập tức khi mức độ nhiễm khuẩn và nhiễm độc cao.

Hình ảnh 9 loại khuẩn dạng nấm ký sinh trên lọc HEPA tại khu vực điều trị của 3 
bệnh nhân viêm da.

A, Alternaria alternata DUCC5005;
B, Aspergillus cf. niger DUCC5013;
C, Cladosporium cladosporioides DUCC5020;
D,Fusarium proliferatum DUCC5011;
E, Fusarium pseudonygamai DUCC5010;
F, Penicillium cf. chrysogenum DUCC5014;
G,Rhizopus arrhizus DUCC5003;
H, Rhizopus oryzae DUCC5001;
I, Trichoderma viride DUCC5004;

CÁCH LÀM SẠCH BỘ LỌC HEPA

Nhưng đâu phải là không có cách nào, các bạn hoàn toàn có thể làm sạch bộ lọc HEPA nếu làm theo các hướng dẫn sau đây:

Luôn giữ cho bộ lọc HEPA khô ráo: Như đã nói trên đây, bộ lọc HEPA là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi. Bản chất bộ lọc HEPA là các sợi siêu nhỏ nên sẽ rất khó làm khô. Vì vậy đừng để bộ lọc HEPA bị ẩm, môi trường ẩm ướt nếu kết hợp cùng nhiệt độ ở nước ta thì sẽ trở thành điều kiện tuyệt vời nhất cho vi khuẩn, nấm mốc hình thành.

Bảo vệ bộ lọc HEPA bằng các tấm lọc ở tầng lọc trước: Thông thường trong các hệ thống lọc luôn có nhiều tầng lọc, trong đó, lọc HEPA luôn nằm ở các tầng lọc sau. Các tầng lọc trước có thể là các loại lọc Bông, sợi tổng hợp (cấp độ G1, G2, G3, G4 trong tiêu chuẩn EN779) - LỌC THÔ, hoặc lọc (có thể là dạng túi) ở cấp độ F5, F6, F7, F8, F9 - LỌC TRUNG GIAN và LỌC TINH.

Hiệu quả lọc cao nhất của cả hệ thống lọc không chỉ phụ thuộc vào lọc HEPA, nó cần được bảo vệ bởi các màng lọc cấp độ trước nó. Những hạt có kích thước lớn hơn 0,4 micromet cùng vô số bụi bẩn, côn trùng mang ký sinh, mầm bệnh, bào tử, nấm mốc, tạp chất,...vv sẽ bị giữ lại nhiều trước khi tiến vào màng lọc HEPA. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả lọc của toàn bộ hệ thống và duy trì được tuổi thọ của HEPA.

Điều chỉnh lưu lượng áp suất tại khu vực cấp gió đầu ra, đầu vào cho phù hợp: Điều chỉnh lưu lượng gió sẽ giúp cho các tấm lọc HEPA và các tấm lọc tầng trước đó không bị tổn hại. Nếu lượng gió đi qua bộ phận lọc quá mạnh so với thiết kế chung của hệ thống thì sẽ làm cho màng lọc của tất cả các tầng lọc có thể bị bục ra, phần keo kết nối bị yếu đi dẫn đến rách, kết cấu bị tổn hại khiến cho bụi bẩn, tạp chất, nấm mốc, vi khuẩn có cơ hội lọt qua và làm cho HEPA nhanh chóng giảm tuổi thọ.

 

Share :

Viết bình luận